Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa âm cổ
chàu 𢀭
◎ {cự 巨 + triều 朝}. Ss với đối ứng čảo (bái đính, bàn ken) trong tiếng Mường, Gaston tái lập là *kčàw [1967: 35]. Kiểu tái lập: *kchàu (*kcau²). Âm đọc ngày nay: giàu.
tt. trái với nghèo, chàu: âm cổ của giàu. Chàu mấy kiếp, tham lam bấy, sống bao lâu, đáo để màng. (Thuật hứng 55.3)‖ (Tự thán 77.1, 88.5, 105.7)‖ (Bảo kính 139.1, 170.8, 175.3).
chử 守
◎ Nôm: 渚 / 宁 / 𡨸 Chử: [Rhodes 1651: 61], âm cổ của giữ.
đgt. <từ cổ> để ý cẩn thận. “chử: ghi nhớ” [Vương Lộc 2001: 36]. Lấy khi đầm ấm pha khi lạnh, chử khuở khô khao có khuở dào. (Thuật hứng 66.6)‖ (Tự thán 87.7) ‖ (Bảo kính 144.5).
đgt. <từ cổ> sống theo đạo lý nào đó. “chử: sửa mình, hối hận”. [Rhodes 1651: 61]. Làm người thì chử đạo Trung Dung, khắn khắn răn dỗ thửa lòng. (Tự giới 127.1) dịch chữ 拳拳服膺 (khắn khắn giữ trong lòng). x. khắn khắn. (Bảo kính 128.8, 131.1, 144.5) Ở đài các, chử lòng Bao Chửng, nhậm tướng khanh, thìn thói Nguỵ Trưng. (Bảo kính 188.5).
đgt. <từ cổ> lưu lại. Bến liễu mới dời, thuyền chở nguyệt, gác vân còn chử, bút đeo hương. (Bảo kính 157.4).
cuộn cuộn 滾滾
AHV: cổn cổn.
tt. <từ cổ> nước chảy xiết, âm cổ của cuồn cuộn. Bui một tấc lòng ưu ái cũ, đêm ngày cuộn cuộn nước triều đông. (Thuật hứng 50.8).
cánh cánh 更更
đgt. <từ cổ> âm cổ của canh cánh,. Quân thân chưa báo lòng cánh cánh, tình phụ cơm trời áo cha. (Ngôn chí 8.7).
dịn 忍
◎ “Dịn: dung thứ. Nhịn, dịn dục, nhịn nhục: cùng một nghĩa. Hay dịn: nhẫn nại. Hay nhịn: cùng một nghĩa.” [Rhodes 1651: 76].
đgt. <từ cổ> chịu, nhường, âm cổ của nhịn. Ở thế dịn nhau muôn sự đẹp, cương nhu cùng biết hết hai bên. (Bảo kính 142.7, 176.2)‖ (Giới nộ 191.8).
gưởi 寄
◎ Nôm: 改 Đọc âm HHV, AHV: kí. “gưởi của” [Rhodes 1651], âm cổ của gửi. Ss đối ứng kɣj (27 thổ ngữ Mường), ɤɯəj (1 thổ ngữ) [NV Tài 2005: 225].
đgt. nhờ. Ao quan thả gưởi hai bè muống, đất Bụt ương nhờ một rãnh mùng. (Thuật hứng 68.5).
đgt. phó nhờ, mặc để. Phú quý treo sương ngọn cỏ, công danh gưởi kiến cành hoè. (Tự thán 73.4, 84.8).
la đá 羅𥒥
dt. âm cổ của đá khi tiếng Việt vẫn còn tồn tại từ cận song tiết lata, lưu tích của âm này hiện còn trong một số tiếng dân tộc ở Việt Nam: lata² (Mày- Rục), ate² (Arem), tata² (Mã Liềng), tata² (Sách) [NV Tài 1976: 64]. Trần xuân ngọc lan căn cứ vào những cứ liệu trên và cứ liệu tiếng Mường (la tá, hay lá tá) để phiên âm [1978: 41-42]. la đá, theo An Chi, là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 石 mà âm Hán Việt hiện đại là thạch (= đá). la là một hình thái âm tiết hoá của yếu tố đầu tiên trong một tổ hợp phụ âm đầu cổ xưa, có thể là *r của chữ 石. Âm tiết này đã rụng đi vì sự tồn tại của tiền âm tiết không phù hợp với xu hướng đơn tiết hoá điển hình của tiếng Việt [An Chi 2006 t4: 296]. Tiếng Việt cổ từ thế kỷ XVII trở về trước vẫn còn từ này, như đã nêu. Lưu tích âm lata còn tồn tại trong tên vị thần đá là Lộ Đố Lộ Đá hiện đang được thờ ở một số địa phương như Tòng Củ (Hưng Yên) [ĐTB Tuyển 2001: 539-547], đây là biểu hiện của việc tín ngưỡng thờ đá đã bị hoà trộn với tín ngưỡng thờ các anh hùng và nhân vật lịch sử. Dấu người đi la đá mòn, đường hoa vướng vất trúc lòn. (Ngôn chí 21.1)‖ (Thuật hứng 54.1)‖ Chĩnh vàng chẳng tiếc danh thì tiếc, la đá hay mòn nghĩa chẳng mòn. (Tự thán 87.6). La đá tầng thang, đúc một hòn vẻn vẹn một hòn (Vịnh Hoa Yên tự )‖ Ơn nặng bằng núi đất, núi la đá. (Phật Thuyết 41b)‖ Vũ bạc thực mưa la đá (Tuệ Tĩnh- nam dược) ‖ Hoặc là nâng chưng dưới hòn la đá trong nơi chốn dưới núi ôc-tiêu (Tuệ Tĩnh- thiền tông 22b). x. đá.
lạnh lạnh 冷冷
AHV: lãnh lãnh
tt. <từ cổ> âm cổ của lành lạnh. Hương cách gác vân, thu lạnh lạnh, thuyền kề bãi tuyết, nguyệt chênh chênh. (Bảo kính 158.3).
lẻo lẻo 了了
◎ Phiên khác: leo lẻo [PL 2012: 18], leo đẻo (ĐDA).
tt. <từ cổ>âm cổ của leo lẻo. Phơ phơ đầu bạc ông câu cá, lẻo lẻo duềnh xanh con mắt mèo. (Tự thán 101.6).
lịu điệu 了鳥
đgt. <từ cổ> cứ vất vả đeo bám mãi, không dứt ra được, cứ mắc míu mãi, âm cổ của lẽo đẽo. “lịu điệu. mắc vợ con lịu điệu.” [Paulus của 1895: 570], “Lịu điệu: bộ dìu dắc đem nhau đi, không được rảnh rang.” [Paulus của 1895: 298]. Phần du lịu điệu thương quê cũ, tùng cúc bù trì nhớ việc hằng. (Ngôn chí 16.5). lịu điệu tìm thửa của cải chưng rất khinh mà chẳng kịp thôi. (Tuệ Tĩnh-Thiền Tông Khoá Hư Ngữ Lục: 19b).
lừ cừ 𪪏居
◎ (lư cư). x. lù cù. Phiên khác: lừ khừ (ĐDA, MQL), lờ khờ (VVK). Nay theo TVG.
tt. <từ cổ> âm cổ của lừ khừ.lừ cừ: bộ chậm lụt, cử rử” [Paulus của 1895: 592], “lừ cừ: bộ chậm chạp ăn nói không thông” [Paulus của 1895: 196], “lu cu et lu cu: morosus ex infirmitate” [Morrone 1838: 212]. Thế những cười ta rằng đứa thơ, dại hoà vụng nết lừ cừ. (Tự thán 90.2)‖ (Bảo kính 180.2).
mởn mởn 𠽊𠽊
tt. <từ cổ> âm cổ của mơn mởn. Một đóa đào hoa kháo tốt tươi, cách xuân mởn mởn thấy xuân cười. (Đào hoa thi 227.2).
như 如
k. bằng. Kham hạ hiền xưa toan lẩn được, ngâm câu: “danh lợi bất như nhàn (Bảo kính 160.8).
k. <từ cổ> dường như. Tuy đà chưa có tài lương đống, bóng cả như còn rợp đến dân. (Lão dung 239.4). Trong sách Phật Thuyết a- dư (âm cổ của như) thường được dịch chữ giả như.
nớp nớp 納納
tt. đgt. <từ cổ> âm cổ của nơm nớp (lo sợ không nguôi), “nớp laõ: sự sợ phập phồng của con tim” [Rhodes 1651 tb1994: 173]. Có của bo bo hằng chực của, oán người nớp nớp những âu người. (Bảo kính 138.6).
pheo 笣
◎ Phiên cũ: vầu. Tất cả các bản phiên trước từ ĐDA (1976) đến TTD (2014), NQH (2014) đều phiên là “vầu”. Nay theo đề xuất của Nguyễn Vinh Quang, rằng chữ Nôm 棹 mà các vị tiền bối đọc là “ chèo ” thì nên đọc là giậu (hàng rào ). Chữ Nôm 笣 mà các vị tiền bối đọc nôm là vầu , nên đọc là pheo (tre) , âm Hán Việt của nó là bao , không phải là {trúc竹 + bao 包} như các tác giả VVH và Nguyễn Quang Hồng đã nghĩ. Khang Hy từ điển dẫn Tập Vận cho chú âm của nó là bao : 《集韻》班交切,音包. Như vậy , nguyên câu chữ Nôm 笣滥棹竹滥茹 , nên đọc ra nôm là : “ Pheo làm giậu , trúc làm nhà ”. Cái nhà đi kèm với (rào) giậu làm bằng pheo ( tre ) thì câu thơ nôm đẹp đẽ biết là bao. (nvq 2016) vầu là loại tre ống to, đốt dài, mọc ở miền núi, ngoài bắc có thấy trong cái bè người ta đóng chở về miền xuôi. Thế kỷ 17, tiếng Việt chưa có “vầu”, vì phụ âm đầu v- đến thời a.d.Rhodes mới định hình được một nửa. Trước đó hai thế kỷ thì lại càng khó có, nên việc bác cách đọc “vầu” ở quốc âm thi tập là có lý [Phan Anh Dũng 2018]. 笣 có một dạng âm cổ phục nguyên là *bao, theo Tập Vận là tên một loại tre, ở lệ phổ (cách quế lâm 100 cây số về hướng nam - khu vực tre trúc phát triển tốt của nam Việt / Lĩnh Nam), có thể đây là kí âm của pheo (“tre pheo”, Việt Bồ La có ghi) theo khuynh hướng b > ph, a ~ e và bình thanh [Nguyễn Cung Thông 2018]. Về Từ Nguyên của “笣”, tiếng Hán thì ghi đó là một loại tre trúc. Ngờ rằng đây là ngữ tố mà tiếng Hán mượn từ Tày Thái. (TTD 2016).
dt. một loại tre, lưu tích còn trong tre pheo. Pheo làm tráu, trúc làm nhà, được thú vui ngày tháng qua. (Trần tình 39.1). am mây cửa khép một cần pheo. (trạng trình- 87a)
sông 江
◎ Nôm: 滝 Ss hung: khlôông, khong khen: khloong, uý lô: kroong. [Vương Lộc 1997: 61], k’oŋ (17 thổ ngữ Mường), ʂoŋ (4), p’aw (4), k’aw (1), t’aw (1) [NV Tài 2005: 269], karụng (Katu) [NH Hoành 1998: 299], tả, khuổi [HV Ma 1984: 415]. “giang” là từ vựng cố hữu của tiếng Hán, đã được thấy trong kim văn thời nhà Chu [đằng đường minh bảo 1964: 306]. Sách Thích Danh phần Thích thuỷ của lưu hy ghi: (江,共也。小江流入其中,所公共也) [tb 1936: 28]. Sách Phong Tục Thông Nghĩa phần Sơn trạch ghi: (江者,貢也。出珍物,可貢獻也) [tb 1980: 373]. Bổ sung thêm một số âm phiên thiết như các sách Đường vận, Tập Vận, vận hội đều ghi: “𠀤古雙切,音杠。水名”. Những cứ liệu này chứng tỏ, âm “công” là một âm cổ của “giang”, ít nhất nó đã có thuỷ âm kép từ thế kỷ VI tcn [TH Minh 2005: 72- 81]. Kiểu tái lập: *krông. Như vậy, giang - sông là từ gốc Hán, nậm gốc thái (như nậm thi, nậm rốm, nậm u, nậm na, nậm hạt, nậm giải, nậm mức, nậm việc, nậm mu, nậm lúa), pao - phao - thao - khau gốc Việt-Mường, - đà gốc tày nùng, lưu tích trong sông đà. Ngoài ra, phương ngữ Nghệ An, quảng bình,… còn có từ “rào” nhưng đang bị đẩy lùi để trở thành danh từ riêng (như sông rào cái, sông rào trổ, sông rào quán, sông rào gang, sông rào thanh, sông rào lạc, sông rào nậy). Kiểu tái lập: tʼraw, kʼraw, pʼraw.
dt. trong sông nước. Thuyền chèo đêm nguyệt, sông biếc, cây đến ngày xuân, lá tươi (Ngôn chí 22.5).
thê thê 妻妻
◎ Phiên khác: thê thê: dài lê thê, thườn thượt (TVG, PL), thê thê: áo quan chức (MQL), lê thê (BVN), thia thia: cá rô thia (NH Vĩ). Nay theo cách phiên của MQL và hiểu theo nghĩa của NHV. Xét, thê thê là âm cổ của thia thia. Các ngữ liệu xuất hiện trong QATT và CNNA đều bắt vần với khuôn vần -ê.
dt. <từ cổ> âm cổ của thia thia, lia thia, rô thia, cá chọi, đây là một loại cá rô nhỏ, thân có vện ngang, vây đuôi xúng xính, màu sắc sặc sỡ, tính hiếu chiến nên thường được nuôi làm cảnh để đá nhau [NH Vĩ 2009]. chim quyên ăn trái nhãn lồng, thia thia quen chậu vợ chồng quen hơi. cd
tt. vẻ dài và xúng xính như đuôi cá lia thia. Ngòi cạn ước ở làm cấn cấn, cửa quyền biếng mặc áo thê thê. (Tự thán 109.4)‖ tam sơn diệp là lá chạng ba, phượng vĩ diệp là lá đuôi gà thê thê (Chỉ Nam ngọc âm, nam dược loại: 72b)‖ chỉ xác tháng bảy chín vàng, tông lư quả móc có buồng thê thê (Chỉ Nam ngọc âm, nam dược loại: 75a4.) x. áo thê thê.
vặc vặc 域域
tt. <từ cổ> âm cổ của vằng vặc. Cửa sày, giá nhơn nhơn lạnh, lòng bạn, trăng vặc vặc cao (Bảo kính 167.6).
xình xoàng 情控
AHV: tình khống. Phiên khác: tình suông (TVG, BVN, MQL, VVK). Chữ 控 “khống”, có khả năng viết nhầm từ chữ “腔” (xoang). Xét, cách phiên trên là dựa theo AHV. Phiên “xênh xang” như Schneider là có cơ sở về âm khi coi đây là một từ láy. Xét, chữ “xênh xang” không thấy xuất hiện trong văn cổ, thêm nữa lại không hợp với chữ “quản” (mặc kệ). Chữ Nôm trên có thể phiên là “xênh xang” hoặc “xinh xang” nhưng âm này lại chỉ có nghĩa là “nở nang, tươi tốt, khoe khoang” [Paulus của 1895 t2: 579, 583], không hợp với văn cảnh. ĐDA phiên là “xềnh xoàng”, có lẽ ông cho đó là âm cổ của “xình xoàng”, “xuềnh xoàng” hiện nay, với nghĩa “dễ dãi, sơ sài, coi thế nào cũng xong”. pbb xênh xang.
tt. <từ cổ> chếnh choáng. “xình xoàng: say, vừa say, có chén” [Paulus của 1895: 1193]. Túi thơ bầu rượu quản xình xoàng, quảy dụng đầm hâm mấy dặm đàng. (Ngôn chí 9.1).
đói khó 対庫
đgt. <từ cổ> âm cổ của đói khổ. Đói khó thì làm việc ngửa tay, chớ làm sự lỗi, quỷ thần hay (Bảo kính 171.1).
cái 介
◎ Nôm: 丐, 𡛔 (thanh phù cái 丐). Âm phiên thiết: cổ bái thiết 古拜切 (Quảng vận) [Hán ngữ đại tự điển 1995: 103], cư bái thiết, tịnh âm cái 居拜切,𠀤音戒 (Tập vận, Vận hội, Chính vận); AHV: giới.
tt. <từ cổ> lớn, to. Sách Nhĩ nhã ghi: “Cái: lớn vậy” (介大也). Kinh dịch ghi: “Nhận phúc lớn này, từ tiên Vương Mẫu” (受茲介福,于其王母), Vương Bật chua: (受茲大福) [Hán ngữ đại tự điển 1995: 104]. Tiếng Việt còn bảo lưu một số từ như sông cái (>< sông nhánh), rễ cái (>< rễ phụ), cột cái (>< cột quân), đường cái (>< đường nhỏ), nhà cái,... Sau, mới chuyển thành danh từ với nghĩa (cái chủ, cái chính, kẻ đứng đầu, cầm trịch), như cầm cái, làm cái, bắt cái.
dt. HVVD. <từ cổ> mẹ [An Chi 2005 T2: 203], nghĩa này dẫn thân từ nghĩa “to, lớn”, như sông cái = sông mẹ [Paulus Của 1895: 90], do mẹ cũng có nghĩa tương tự: cái lớn cái nặng là mẹ, cái nhỏ cái nhẹ là con” [Từ hải, chuyển dẫn An Chi 2005 T2: 204]. Vì thế, cái đã chuyển dụng sang nghĩa “mẹ”, “giống cái”. (Ngôn chí 21.8). Nhắn bảo phô bay đạo cái con, Nghe lượm lấy, lọ chi đòn. (Huấn nam tử 192.1)‖ con dại cái mang tng. Đạo cái con: là đạo của con đối với mẹ, còn có biến thể đảo âm là “con cái”. Âm PVM: *ke? [VĐ Nghiệu 2011: 46]. Ss đối ứng kaj (18 thổ ngữ Mường), maj (2 thổ ngữ), me (4 thổ ngữ) [NV Tài 2005: 219], kạn (Katu) [NH Hoành 1998: 252]. Cái / gái - mái - mẹ là các từ đồng nghĩa/ gần nghĩa vào thời cổ, có khả năng nghĩa gốc đều trỏ “giống cái” hoặc “mẹ”. Mẹ / mạ / / me (媽), mụ (媒), u (媼) là từ gốc Hán, cái / gái gốc Việt-Mường, mái chưa rõ gốc, nạ - bầm gốc Việt.
dt. <từ cổ> âm cổ của gái, phái sinh từ nghĩa ②, “mẹ” > giống cái, con gái nói chung. “Con cái: con trai và con gái, chỉ dùng cho người” [Rhodes 1651: 51]. Thế sự trai yêu thiếp mọn, Nhân tình cái nhớ chồng xưa. (Bảo kính 179.6). “Lại cái: nguyên là đàn ông mà giả dạng đờn bà; không phải đực không phải cái” [Paulus Của 1895: 90].
chưng 蒸 / 徵
◎ Vương Lộc (2001: 36) cho chưng là âm cổ của chi , tồn nghi. [x. BT Hùng 1987].
k. <từ cổ> dịch chữ chi 之,trợ từ trong kết cấu định trung [TT Dương 2012g, 2013e]. Hoặc có thứ thì hoá có vảy có sừng nhẫn có lông lại có cánh chưng trong tứ sinh < 或化鱗角羽毛之內 [Tuệ Tĩnh- Thiền tông khóa hư ngữ lục: 6a3]. Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết, Bui một lòng người cực hiểm thay. (Mạn thuật 26.7)‖ (Trần tình 40.7)‖ (Tự thán 80.7).
k. <từ cổ> hư từ vô nghĩa, đứng giữa động từ và tân ngữ. Đã trái chưng trong nghĩa vô sinh vô hoá, bèn mãi làm chưng sự luân hồi hữu hoá hữu sinh < 既背無生無化,永為有化有生 (Tuệ Tĩnh - Thiền tông khóa hư ngữ lục: 5b6). Ở thế những hiềm qua mỗ thế, Có thân thì sá cốc chưng thân. (Mạn thuật 33.4)‖ (Tự thán 104.4)‖ (Tự thuật 120.3, 120.8)‖ (Bảo kính 130.5, 138.2).
k. <từ cổ> dịch chữ vu 于, ư 於 (đối với). Quốc phú binh cường chăng có chước, Bằng tôi nào khuở ích chưng dân. (Trần tình 37.8)‖ chưng (Thuật hứng 58.8)‖ (Tự thuật 122.5)
k. <từ cổ> dịch chữ vu 于, ư 於 (về, ở). Chẳng biết mình, chẳng cóc tính, giờ giờ hằng chìm đắm chưng nơi bến tối < 不知不覺時時没溺于迷津 [Tuệ Tĩnh- Thiền tông khóa hư ngữ lục: 6a4]. (Tự thán 72.4)‖ (Bảo kính 155.7)‖ Nghìn dặm trời dầu đủng đỉnh, Kham cười anh vũ mắc chưng lồng. (Lão hạc 248.8).
⑤ h. <từ cổ> từ đệm vô nghĩa. Ngẫm hay mùi đạo cực chưng ngon, Nghìn kiếp dầu ăn vuỗn hãy còn. (Tự thán 87.1, 90.8).
k. <từ cổ> dịch chữ vu 于, ư 於 (hơn), dùng trong câu so sánh hơn. Đạo này để trong trời đất, Nghĩa ấy bền chưng đá vàng. (Tự thán 93.4). dịch ngữ kiên ư kim thạch 堅於金石, lối nói hay dùng trong Văn ngôn.
lt. <từ cổ> vì, bởi vì. Rồi việc mới hay khuôn được thú, Khỏi quyền đã kẻo lụy chưng danh. (Bảo kính 156.4)‖ (Miêu 251.8)‖ Bởi chưng. Vì chưng. (Tích cảnh thi 210.4)‖ (Trư 252.2).x. Vì bởi.